U nang buồng trứng và u bì là một bệnh phụ khoa ở nữ giới, nhưng rất nhiều người nhầm lẫn giữa 2 tình trạng bệnh lý này. Vậy u bì và u nang khác nhau như thế nào?
1. U bì và u nang khác nhau như thế nào?
Buồng trứng là một bộ phận sinh dục quan trọng ở nữ giới. Buồng trứng có chức năng nội tiết, giúp sản xuất các hormone sinh dục quan trọng là estrogen và progesteron. Một số bệnh nhân xuất hiện các khối u bất thường trong buồng trứng và được chẩn đoán khác nhau, ví dụ như u nang buồng trứng hay u bì buồng trứng.
Nhiều bệnh nhân thắc mắc u nang và u bì khác nhau như thế nào? Thực chất, u nang buồng trứng là tên gọi chung khi bệnh nhân có một phần u hay nang xuất hiện trong buồng trứng. Sau khi mổ, phần u nang sẽ được đem đi xét nghiệm để xem rõ tính chất của u. Bệnh nhân bị u nang buồng trứng thường không có triệu chứng cụ thể, nhưng đôi khi người bệnh có thể bị đau bụng dưới và chảy máu. U nang buồng trứng có thể chia thành 2 loại là u nang cơ năng và u nang thực thể.
Còn u bì (còn được gọi là u quái) vốn là một loại u nang buồng trứng thực thể. Tóm lại, u nang buồng trứng là tên gọi chung của các khối u nang xuất hiện bên trong buồng trứng, còn u bì là tên gọi của một loại u nang cụ thể. Cấu trúc của các khối u bì buồng trứng gồm có các mô tuyến bã, xương, tóc, da…Chúng là những khối u phát triển bên trong buồng trứng xuất phát từ những tế bào biệt hóa. Đa phần u bì đều là là khối u lành tính. Tuy nhiên, nếu không điều trị đúng cách, u nang bì buồng trứng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản như xoắn buồng trứng, phát triển thành ung thư,…Thông thường u bì buồng trứng chỉ xuất hiện ở một bên buồng trứng, hiếm khi xuất hiện ở cả 2 bên. Nếu bị u bì hiện diện ở cả hai bên buồng trứng thì biến chứng sẽ nặng và nguy hiểm hơn.
U nang buồng trứng đa phần là lành tính, tuy nhiên đôi khi vẫn có thể là u ác. Nếu để lâu và không điều trị đúng cách thì những khối u này sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm. Các biến chứng khác do u nang buồng trứng gây ra bao gồm:
- Xoắn cuống nang: Nếu các khối u có đường kính 8-10cm, chúng sẽ rất nặng và dễ di chuyển, từ đó có nguy cơ gây xoắn cuống nang.
- Xoắn buồng trứng: Khi các u nang phát triển có thể khiến buồng trứng dịch chuyển và dẫn đến hiện tượng xoắn buồng trứng. Hiện tượng này có thể làm giảm hoặc ngừng lưu lượng máu đến buồng trứng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng buồng trứng, có nguy cơ gây vô sinh.
- Vỡ nang: U nang vỡ có thể gây đau dữ dội và xuất huyết bên trong. U nang càng lớn thì nguy cơ vỡ càng cao. Các hoạt động vận động mạnh hoặc tác động lực mạnh lên vùng chậu chẳng hạn như quan hệ tình dục cũng làm tăng nguy cơ vỡ nang.
- Ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận: Các khối u có kích thước lớn sẽ chèn lên các cơ quan lân cận. Đây là biến chứng xuất hiện muộn khi u nang buồng trứng đã phát triển tới kích thước lớn. Các khối u chèn ép bàng quang gây đau buốt khi đi tiểu, chèn ép trực tràng gây táo bón, chèn ép niệu quản làm ứ nước ở bể thận, thậm chí chèn ép tĩnh mạch chủ dưới dẫn đến ứ trệ tuần hoàn và gây phù hai chi dưới.
3. Chẩn đoán và điều trị u nang buồng trứng như thế nào?
Triệu chứng u nang buồng trứng thường không rõ ràng, do đó khó có thể chẩn đoán bệnh khi chỉ dựa vào triệu chứng lâm sàng. Để chẩn đoán u nang buồng trứng, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân làm một số xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang, siêu âm, chụp MRI hay CT vùng chậu.
Không phải tất cả các trường hợp u nang buồng trứng đều cần phải điều trị. Ở một số bệnh nhân, u nang có thể tự biến mất và bác sĩ thường chỉ lên kế hoạch kiểm tra định kỳ, nếu có bất thường mới cân nhắc điều trị. Đối với những bệnh nhân u nang buồng trứng cần điều trị, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật bóc tách u nang:
- Phẫu thuật nội soi: Bác sĩ sẽ phẫu thuật loại bỏ u nang buồng trứng thông qua một vết cắt nhỏ trên da của bệnh nhân. Sau khi u nang được loại bỏ xong, bệnh nhân thường có thể về nhà sau vài giờ theo dõi. Phẫu thuật nội soi là phương pháp được nhiều người lựa chọn, vì ít gây đau đớn, ít biến chứng và tốc độ phục hồi nhanh chóng.
- Phẫu thuật mở: Mổ hở cũng là phương pháp thường được áp dụng khi nghi ngờ u nang có nguy cơ biến chứng thành u ác tính. Trường hợp này, bác sĩ cần phải cắt bỏ toàn bộ u nang và lấy mẫu để làm các xét nghiệm nhằm chẩn đoán và phát hiện ung thư.
Tóm lại, u nang buồng trứng là tên gọi chung của các khối u nang xuất hiện trong buồng trứng, còn u bì là tên gọi một loại u nang cụ thể. Dù đa số các trường hợp u nang là lành tính, nhưng vẫn có nguy cơ gây ra nhiều biến chứng nguy cơ. Do đó, bệnh nhân cần khám phụ khoa định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh và điều trị đúng cách.