1. Làm thế nào tôi có thể biết liệu chảy máu sau sinh của tôi là bất thường?
Tất cả các bà mẹ mới sinh đều bị chảy máu âm đạo ngay sau khi sinh, vì lúc này tử cung bị bong lớp mô dày từ khi mang thai. Loại chảy máu và xuất tiết này được gọi là Lochia (chảy máu sau sinh). Ban đầu, dịch xuất tiết thường có màu đỏ tươi nhưng sẽ dần dần sáng màu hơn và số lượng giảm dần trong vài ngày đầu.
Tuy nhiên, một số phụ nữ bị chảy máu rất nhiều sau khi sinh thì cần phải được theo dõi và điều trị tại các cơ sở y tế. Chảy máu quá mức này được gọi là băng huyết sau sinh (postpartum hemorrhage). Chảy máu nhiều xảy ra trong vòng 24 giờ đầu tiên sau sinh được coi là băng huyết sớm sau sinh (primary postpartum hemorrhage). Khoảng 1 phần trăm phụ nữ sau sinh bị chảy máu nghiêm trọng trong khoảng 24 giờ đến 12 tuần sau khi sinh con, đây được gọi là băng huyết muộn sau sinh hay xuất huyết muộn sau sinh. Trung bình, xuất huyết muộn thường xảy ra từ một đến hai tuần sau sinh.
Vì thế, sau khi sinh nếu người mẹ bị chảy máu đỏ tươi kéo dài hơn một vài ngày sau khi sinh thì cần liên hệ lại với bác sĩ tại các cơ sở y tế, vì điều này có thể dấu hiệu của vấn đề bệnh lý khác. Ngoài ra, bạn cũng nên đến cơ sở Y tế ngay lập tức nếu bạn bị chảy máu khiến ướt đẫm cả một băng vệ sinh chỉ trong vòng một giờ hoặc nếu bạn có cục máu đông lớn hơn một quả bóng golf.
Bạn có thể gọi cấp cứu 115 nếu bị chảy máu nhiều hoặc xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường, bao gồm:
- Choáng váng
- Mệt mỏi
- Nhịp tim nhanh hoặc đánh trống ngực
- Thở nhanh hoặc nông
- Ra mồ hôi lạnh
- Bồn chồn
- Lú lẫn
2. Nguyên nhân gây xuất huyết muộn sau sinh?
2.1. Nguyên nhân của xuất huyết muộn sau sinh
Xuất huyết muộn sau sinh có thể xảy ra nếu tử cung của bạn không co bóp bình thường sau khi bạn sinh con. Đôi khi điều này xảy ra khi các mảnh nhau thai hoặc túi ối vẫn còn trong tử cung của bạn sau khi sinh. Ngoài ra, tình trạng nhiễm trùng cũng có thể gây ra xuất huyết muộn sau sinh.
Bạn có thể có nguy cơ xuất huyết sau sinh cao hơn nếu bạn bị rối loạn đông máu toàn thân. Đây có thể là bệnh lý di truyền hoặc phát triển trong thai kỳ do các biến chứng như tiền sản giật nặng hoặc hội chứng HELLP hoặc nhau bong non. Bên cạnh đó, xuất huyết cũng có thể gây ra các vấn đề đông máu, dẫn đến chảy máu thậm chí nặng hơn. Đôi khi xuất huyết muộn sau sinh không tìm được ra nguyên nhân cụ thể.
2.2. Các yếu tố nguy cơ của xuất huyết sau sinh
Có một yếu tố nguy cơ không có nghĩa là chắc chắn rằng bạn sẽ bị xuất huyết sau sinh, nhưng nó có thể làm tăng nguy cơ mắc phải. Một số yếu tố như:
- Bạn có nhiều khả năng mắc xuất huyết sau sinh hơn những người phụ nữ khác nếu bạn từng mắc xuất huyết sau sinh ở lần sinh trước.
- Phụ nữ châu Á và Tây Ban Nha cũng có nhiều khả năng mắc xuất huyết sau sinh hơn những phụ nữ ở chủng tộc khác.
- Tử cung: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất của xuất huyết sau sinh. Nó xảy ra khi các cơ trong tử cung của người phụ nữ co hồi sau khi sinh. Tử cung co bóp sau khi sinh giúp cầm máu ở vị trí mà nhau thai bị tách ra khỏi tử cung. Nhau thai phát triển trong tử cung và cung cấp cho thai nhi thức ăn và oxy thông qua dây rốn. Bạn có thể bị đờ tử cung nếu tử cung bị kéo dãn hoặc phì đại khi sinh đôi hoặc thai nhi có trọng lượng lớn (hơn 8 pounds, 13 ounces). Xuất huyết sau sinh cũng có thể xảy ra nếu bạn đã sinh nhiều con, đã chuyển dạ trong một thời gian dài hoặc bạn có quá nhiều nước ối.
- Nhau bong non: Tình trạng này diễn ra khi nhau thai tách ra khỏi thành tử cung trước khi sinh. Nhau thai có thể tách một phần hoặc hoàn toàn.
- Nhau thai cài lược, nhau thai răng lược: Những tình trạng này xảy ra khi nhau thai phát triển quá sâu vào thành tử cung.
- Nhau tiền đạo: Tình trạng này xảy ra khi nhau thai nằm rất thấp trong tử cung và bao phủ tất cả hoặc một phần của cổ tử cung. Cổ tử cung là lỗ mở của tử cung nằm ở phía trên của âm đạo.
- Sót nhau thai: Điều này xảy ra nếu không đẩy nhau thai ra khỏi tử cung trong vòng 30 đến 60 phút sau khi sinh con. Ngay cả khi bạn đã đẩy nhau thai ngay sau khi sinh thì bác sĩ sẽ vẫn phải kiểm tra lại để đảm bảo không sót mô của nhau thai trong tử cung. Nếu mô nhau thai bị thiếu và không được lấy ra khỏi tử cung thì ngay lập tức nó có thể gây chảy máu.
- Gây mê toàn thân: Đây là loại thuốc khiến bạn buồn ngủ nên bạn không cảm thấy đau khi phẫu thuật. Nếu bạn phải sinh mổ cấp cứu thì bạn có thể phải gây mê toàn thân.
- Dùng thuốc để gây chuyển dạ: Bác sĩ thường sử dụng một loại thuốc gọi là Pitocin để gây chuyển dạ. Pitocin là dạng oxytocin nhân tạo để tạo ra các cơn chuyển dạ.
- Uống thuốc để ngăn chặn các cơn co thắt trong trường hợp nguy cơ sinh non. Nếu bạn bị chuyển dạ sinh non, bác sĩ có thể cho bạn sử dụng các loại thuốc được gọi là tocolytics để làm chậm hoặc ngừng các cơn co thắt, chuyển dạ.
- Chuyển dạ quá nhanh hoặc chuyển dạ kéo dài. Thời gian chuyển dạ khác nhau tùy từng sản phụ. Nếu bạn sinh con lần đầu tiên, chuyển dạ thường mất khoảng 14 giờ. Nếu bạn đã có con rồi thì thường mất khoảng 6 giờ.
- Bệnh lý về máu như bệnh von Willebrand hoặc đông máu nội mạch lan tỏa. Những bệnh lý này có thể làm tăng nguy cơ hình thành khối máu tụ. Khối máu tụ xảy ra khi mạch máu bị vỡ khiến cục máu đông hình thành trong mô, cơ quan hoặc một bộ phận khác của cơ thể. Sau khi sinh con, một số phụ nữ bị tụ máu ở vùng âm đạo hoặc âm hộ (cơ quan sinh dục nữ bên ngoài cơ thể). Bệnh Von Willebrand là một rối loạn chảy máu khiến người bệnh khó cầm máu. Đông máu nội mạch lan tỏa làm cho cục máu đông hình thành trong các mạch máu nhỏ và có thể dẫn đến chảy máu nghiêm trọng. Một số biến chứng khi mang thai và sinh nở, phẫu thuật, nhiễm trùng huyết và ung thư có thể gây ra đông máu nội mạch lan tỏa.
- Nhiễm trùng, viêm màng ối. Đây là một bệnh nhiễm trùng nhau thai và nước ối.
- Ứ mật trong thai kỳ (còn gọi là ICP). Đây là bệnh lý về gan phổ biến nhất xảy ra trong thai kỳ.
- Béo phì. Béo phì có nghĩa là bạn có một lượng mỡ thừa trong cơ thể. Nếu bạn béo phì, chỉ số khối cơ thể của bạn (còn được gọi là BMI) >= 30.
- Tiền sản giật hoặc tăng huyết áp thai kỳ. Đây là loại huyết áp cao mà chỉ phụ nữ mang thai mới có thể mắc phải. Tiền sản giật là tình trạng có thể xảy ra sau tuần thứ 20 của thai kỳ hoặc ngay sau khi mang thai. Khi một phụ nữ mang thai bị huyết áp cao và có dấu hiệu cho thấy một số cơ quan như thận và gan, có thể hoạt động có dấu hiệu bệnh lý. Dấu hiệu của tiền sản giật bao gồm có protein trong nước tiểu, thay đổi thị lực và đau đầu dữ dội. Tăng huyết áp thai kỳ là huyết áp cao bắt đầu sau 20 tuần mang thai và biến mất sau khi bạn sinh con.
3. Cách điều trị xuất huyết muộn sau sinh là gì?
Nếu chảy máu sau sinh của bạn trở nên nguy hiểm đến tính mạng, bạn sẽ phải nhập viện cho đến khi tình trạng chảy máu được kiểm soát và dấu hiệu sinh tồn ổn định.
Đầu tiên, bác sĩ sẽ cho bạn kiểm tra thể chất và bắt đầu truyền tình mạch để cung cấp cho bạn chất lỏng và thuốc để giúp tử cung co hồi nhanh hơn. Bạn có thể dùng thuốc kháng sinh nếu bác sĩ nghi ngờ bạn có nhiễm trùng là nguyên nhân dẫn đến xuất huyết muộn sau sinh.
Bạn cũng sẽ cần phải thực hiện siêu âm để kiểm tra xem có bất kỳ mảnh mô nhau thai nào còn sót lại trong tử cung của bạn không. Nếu có bất kỳ mảnh mô nào còn sót lại, bạn có thể cần phải thực hiện một loại kỹ thuật sản khoa được gọi là nong và nạo buồng tử cung để loại bỏ các mô còn sót lại.
Bác sĩ cũng có thể đặt một “quả bóng” nhỏ trong tử cung của bạn. Quả bóng này tạo ra áp lực lên thành tử cung để chèn các mạch máu và giúp cho quá trình đông máu. Quả bóng này thường được để lại qua đêm, cùng với một ống thông để giữ cho bàng quang của bạn thoát nước tiểu ra ngoài.
Trong một số trường hợp (như nếu chảy máu không ngừng hoặc các dấu hiệu sinh tồn của bạn không ổn định), bạn sẽ cần phải truyền máu. Hiếm khi, phẫu thuật ở ổ bụng hoặc cắt tử cung cần phải thực hiện để cầm máu.
Sau khi kiểm soát được tình trạng chảy máu, bạn sẽ tiếp tục được truyền dịch đường tĩnh mạch và thuốc (thường là thêm 24 giờ) để giúp tử cung của bạn được co hồi.
Đội ngũ y tế sẽ theo dõi quá trình phục hồi của bạn chặt chẽ để đảm bảo chảy máu nặng không tiếp tục diễn ra và theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng. Bạn cũng có thể tiếp tục phải dùng thuốc kháng sinh.
4. Quá trình phục hồi như thế nào?
Ban đầu bạn có thể cảm thấy mệt mỏi, vì vậy đừng cố gắng tự mình ra khỏi giường khi bạn vẫn còn ở trong bệnh viện.
Khi bạn về nhà, điều quan trọng bạn cần thực hiện là phải nghỉ ngơi nhiều, uống đủ chất lỏng để giữ nước và ăn thực phẩm bổ dưỡng. Ngoài sử dụng các loại vitamin và axit folic, có khả năng bác sĩ sẽ kê toa một số chất bổ sung sắt để ngăn ngừa hoặc điều trị thiếu máu do mất máu quá nhiều.
Hiện không có biện pháp xử trí nào hoàn toàn tối ưu trong điều trị băng huyết sau sinh nặng, nhất là xuất huyết muộn sau sinh. Vì vậy, dự phòng băng huyết sau sinh là lựa chọn tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho sản phụ. Các biện pháp dự phòng gồm: Quản lý tốt thai kỳ, phát hiện thai kỳ có nguy cơ cao, đỡ sinh đúng kỹ thuật, không để chuyển dạ kéo dài, theo dõi hậu sản trong vòng 6 giờ đầu tiên, đặc biệt là trong 2 giờ sau sinh. Để thực hiện tốt các biện pháp trên thì bạn nên chọn các cơ sở y tế uy tín để thực hiện theo dõi thai kỳ, sinh nở, chuyển dạ, chăm sóc sau sinh.
- Sau 9 tháng 10 ngày mang nặng, thai phụ bước vào cuộc đẻ và phải đối mặt với mức độ đau đẻ được so sánh với gãy 20 cái xương sườn cùng lúc. Để cuộc đẻ diễn ra suôn sẻ, an toàn, thai phụ cần hiểu rõ:
Quy trình cuộc chuyển dạ diễn ra như thế nào, thường kéo dài trong bao lâu để có hướng sinh thường hay sinh mổ, bảo vệ sức khỏe tốt nhất cho thai nhi. - Các phương pháp giảm đau trong khi sinh, hạn chế đau đớn và giải tỏa áp lực tâm lý khi chuyển dạ.
- Cách rặn và thở khi sinh thường đúng cách để cuộc chuyển dạ diễn ra nhanh chóng, thai phụ không mất sức khi sinh.
- Cách kiểm soát các cơn co tử cung sau sinh trong thời gian ngắn nhất.
- Cách chăm sóc vết khâu tầng sinh môn không gây nhiễm trùng và biến chứng nguy hiểm.
- Tái khám sau sinh sớm để phát hiện những bất thường nguy hiểm như sót nhau, sót gạc.
- Chăm sóc trẻ sơ sinh đến khi đầy tháng khỏe mạnh.