1. Kế hoạch sinh con là gì?
Kế hoạch sinh con là một bản phác thảo những điều mong muốn của bạn trong quá trình chuyển dạ và sinh nở. Ví dụ, kế hoạch sinh của bạn có thể bao gồm người bạn muốn ở cùng trong quá trình chuyển dạ, bạn muốn tiêm thuốc giảm đau hay không,…. Kế hoạch sinh con có thể bao gồm bất cứ thứ gì bạn nghĩ sẽ giúp quá trình chuyển dạ và sinh nở trở nên thoải mái hơn.
Các kế hoạch sinh con tốt nhất giúp bạn trả lời một số câu hỏi quan trọng trước khi bạn quá choáng ngợp với những cơn đau đẻ. Bạn có hy vọng được gây tê ngoài màng cứng hay không dùng thuốc giảm đau không? Bạn muốn ai trong phòng sinh với bạn? Bạn sẵn sàng tiếp nhận những biện pháp can thiệp nào và bạn muốn tránh những can thiệp nào? Kế hoạch sinh con sẽ giúp bạn thông báo rõ ràng những mong muốn này với nhân viên y tế .
Có thể nói một cách chắc chắn rằng, bạn sẽ sinh tự nhiên cho đến trước khi bước vào giai đoạn chuyển dạ, lúc này bạn bắt đầu xin thuốc giảm đau nhưng nếu nhân viên biết về kế hoạch sinh con của bạn, họ có thể đề xuất các phương án thay thế để bạn vẫn có thể sinh con như mong muốn ban đầu.
2. Lập kế hoạch sinh con nên bao gồm những gì trong đó?
Mặc dù có nhiều thông tin chi tiết trong kế hoạch sinh con nhưng hãy cố gắng viết ngắn gọn để mọi người dễ đọc. Dưới đây là một số hạng mục mà kế hoạch sinh của của bạn cần có, bao gồm:
2.1. Những thông tin cơ bản
Liệt kê các thông tin cơ bản như:
- Tên của bạn
- Tên bác sĩ
- Thông tin liên lạc của bạn
- Nơi bạn dự định sinh
- Người bạn dự định sẽ ở đó với bạn.
Bạn cũng nên ghi chú ở đây bất kỳ tình trạng y tế nào (nếu có), bao gồm cả:
- Bạn dương tính với liên cầu khuẩn nhóm B
- Tiểu đường thai kỳ
- Tiền sản giật….
2.2. Yêu cầu về phòng sinh
- Bạn có muốn đèn phòng sinh để thế nào, rõ hay mờ đi?
- Bạn muốn căn phòng của mình càng yên tĩnh càng tốt hay bạn thích nhạc nhẹ?
- Bạn có muốn một người hỗ trợ chụp ảnh hoặc quay video quá trình chuyển dạ hoặc sinh nở không?
2.3. Những sở thích của bạn
Bao gồm bất kỳ sở thích nào bạn như:
- Bạn có muốn đi lại tự do không?
- Bạn có muốn sử dụng ghế đẩu, bóng hay ghế dành cho trẻ sơ sinh không?
- Bạn có muốn tắm nước ấm hay không?
2.4. Cách kiểm soát cơn đau khi chuyển dạ
Lựa chọn cách kiểm soát cơn đau khi chuyển dạ là một điều quan trọng bạn cần cân nhắc. Bạn có thể không định gây tê ngoài màng cứng nhưng có thể thay đổi ý định khi bắt đầu chuyển dạ. Hoặc bạn có thể chắc chắn sẽ gây tê ngoài màng cứng nếu có thể.
Khi bạn xác định kế hoạch sinh của mình, hãy hỏi bác sĩ về các lựa chọn giảm đau cũng như bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến chúng.
2.5. Các lựa chọn khi sinh
Có rất nhiều lựa chọn để xem xét cho việc sinh con của bạn như:
- Nếu dự định sinh bằng đường âm đạo, bạn có muốn cắt tầng sinh môn không?
- Bạn có muốn bạn đời của mình cắt dây rốn cho bé không?
- Bạn có muốn em bé của bạn được đặt trên bụng của bạn ngay sau khi sinh?
- Nếu bạn cần sinh mổ, bạn muốn ai đi cùng bạn trong phòng sinh?
2.6. Cho con ăn và chăm sóc trong bệnh viện
Sau khi con bạn chào đời, bạn sẽ cần nghĩ đến việc cho con ăn và chăm sóc.
- Bạn có muốn cho con bú ngay sau khi sinh không?
- Bạn muốn cho trẻ bú bình hay kết hợp bú bình với bú mẹ?
- Bạn muốn con ở trong phòng với mình hay ở dành riêng cho trẻ sơ sinh?
- Nếu con bạn là con trai, bạn có muốn cắt bao quy đầu của bé tại bệnh viện không?
3. Cách viết kế hoạch sinh con của riêng bạn
Nếu tất cả những điều này khiến bạn hoang mang và không biết bắt đầu từ đâu, bạn có thể bình tĩnh và thực hiện theo từng bước sau:
3. 1. Làm một quyển sổ ghi chú
Khi bạn cảm thấy bình tĩnh và sáng suốt, hãy bắt đầu ghi một số ghi chú sơ bộ về cách bạn hình dung quá trình chuyển dạ và sinh nở. Đây là lúc để thưởng thức tất cả những hình ảnh mơ mộng, nhẹ nhàng về cuộc vượt cạn hạnh phúc, yên bình nhất từ trước đến nay. Không có gì phải xấu hổ khi nghĩ về tình huống tốt nhất bạn mong muốn.
3. 2. Nói chuyện với bạn đời của bạn
Nói chuyện với bạn đời của bạn hoặc bất kỳ ai sẽ cùng bạn vào phòng sinh. Nếu chưa chia sẻ ý kiến của riêng bạn, hãy hỏi họ cách họ hình dung về quá trình chuyển dạ và sinh nở. Họ có định kiến gì về việc sinh con không? Có điều gì họ không biết hoặc đang lo lắng? Họ thấy mình đóng vai trò gì trong việc sinh nở của bạn, họ cảm thấy thoải mái khi thực hiện như thế nào, hoặc họ muốn xử lý những công việc gì?
3. 3. Bắt đầu xây dựng kế hoạch sinh con
Bắt đầu hình thành một kế hoạch cụ thể, thực tế với bạn đời của bạn. Cuối cùng, cơ thể bạn đang trải qua quá trình chuyển dạ và sinh nở, vì vậy bạn nên thoải mái với tất cả các quyết định được đưa ra.
Bạn càng có nhiều ý kiến đóng góp và đề xuất của đối tác, bạn càng cảm thấy được hỗ trợ một cách tự nhiên hơn. Phác thảo một bản nháp cơ bản của một kế hoạch mà cả hai đều hài lòng.
3. 4. Mang kế hoạch sinh con đến nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe
Mang kế hoạch sinh con của bạn đưa cho bác sĩ hoặc nữ hộ sinh. Bạn hãy xem xét một cách cẩn thận các ý kiến, yêu cầu của bác sĩ. Họ có thể sẽ giải quyết bất kỳ câu hỏi hoặc mối quan tâm nào còn tồn tại, đề xuất các lựa chọn thay thế để đối phó với cơn đau hoặc biến chứng trong quá trình chuyển dạ và sinh nở, đồng thời đánh dấu các khu vực mà bạn cần chuẩn bị để thực hiện các thay đổi vào phút cuối.
Bác sĩ cũng có thể cho biết kế hoạch sinh con của bạn có thực tế hay không. Họ biết tiền sử bệnh tật và quá trình mang thai của bạn và hướng dẫn bạn theo cách tốt nhất có thể để sinh con thành công và khỏe mạnh.
3. 5. Hoàn thiện kế hoạch sinh con, lưu ý đến tính linh hoạt
Nếu bác sĩ đề xuất những thay đổi, bây giờ là lúc để thực hiện chúng. Nếu bạn vẫn đang quyết định giữa các lựa chọn, hãy cố gắng hết sức để đi đến lựa chọn phù hợp. Nếu vẫn không chắc chắn về điều gì đó bạn có thể đưa ra lựa chọn trong quá trình chuyển dạ.
4. Ai cần bản sao kế hoạch sinh con của bạn?
Khi kế hoạch sinh nở của bạn đã được thiết lập, hãy đưa một bản sao cho bác sĩ để lưu vào hồ sơ y tế và mang một bản sao khác đến bệnh viện hoặc trung tâm nơi bạn sẽ sinh con.
Bạn cũng có thể đưa bản sao kế hoạch sinh nở của mình cho bất kỳ ai sẽ ở bên bạn trong quá trình chuyển dạ. Một bác sĩ khác có thể đỡ đẻ cho bạn nếu bác sĩ thường xuyên thăm khám cho bạn không có mặt.
5. Có nhất thiết phải lập kế hoạch sinh con không?
Không nhất thiết phải có kế hoạch sinh con, vì tất cả các điều bạn mong muốn có thể được thực hiện khi ở trong bệnh viện, nhưng chắc chắn điều quan trọng là bạn phải suy nghĩ về tất cả các lựa chọn và thảo luận với bạn đời và bác sĩ.
Bạn không cần phải có kế hoạch cụ thể khi chuẩn bị sinh con, nhưng điều này thường có ích. Nếu việc lập một kế hoạch sinh con giúp bạn cảm thấy đỡ căng thẳng hơn về việc sinh nở hoặc giúp bạn yên tâm hơn, bạn nên làm điều đó. Có một kế hoạch bằng văn bản cũng có thể giúp bạn tránh những can thiệp và điều trị không cần thiết. Nếu việc lập kế hoạch khiến bạn căng thẳng, bạn có thể bỏ qua hoặc giữ nó một cách đơn giản nhất. Cuối cùng, việc sinh nở của bạn phụ thuộc vào cơ thể bạn và em bé nhiều hơn, chứ không phải bất kỳ kế hoạch nào bạn đã viết ra.
Hãy coi kế hoạch chuẩn bị sinh con như một mục tiêu lý tưởng bạn muốn đạt được. Bạn có thể không đến đích theo cách chính xác mà bạn tưởng tượng, nhưng có một chiến lược trong đầu sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt hơn.