Khi mang thai sự thay đổi nội tiết tố khiến bạn gặp nhiều vấn đề về tâm sinh lý, những vấn dễ dễ gặp như bị ngứa đầu nhũ hoa khi mang thai cũng có thể khiến bạn bất an, vì đây là vị trí cho trẻ bú sữa mẹ sau khi sinh ra nên cần đảm bảo sự an toàn, sạch sẽ. Vậy có cách nào giảm ngứa đầu nhũ hoa khi mang thai hay không?
1. Nguyên nhân, biểu hiện của ngứa đầu nhũ hoa khi mang thai
Nồng độ hormone thay đổi khi bạn mang thai, việc này có thể khiến bạn bị ngứa đầu nhũ hoa khi mang thai râm ran, vùng da xung quanh núm vú cũng trở nên sậm màu và xuất hiện các vết nứt nhỏ, đầu ti cũng có thể bị khô, quanh đầu nhũ hoa có thể đóng vảy.
Cơ thể tiết hormone progesterone nhiều hơn bình thường khi mang thai việc này giúp tăng lưu thông máu đến ngực giúp các ống dẫn sữa mở rộng và phát triển để chuẩn bị cho việc tạo sữa mẹ sau sinh. Việc lưu lượng máu đến ngực tăng dẫn đến đầu nhũ hoa có thể bị sưng tấy, ngứa hoặc bị khô, việc này gây khó chịu nhưng ngứa đầu nhũ hoa khi mang thai cũng có thể là biểu hiện tốt của việc các ống dẫn sữa đang phát triển tốt. Tuy nhiên, cũng có thể do kích thước bầu ngực tăng nhanh trong thai kỳ khiến vùng da ở vú, nhũ hoa bị rạn, gây ngứa ngáy và đau.
Ngứa đầu nhũ hoa, sẩn ngứa, mề đay có thể thường xuyên gặp ở tam cá nguyệt thứ 3 và kéo dài đến sau sinh. Theo đó, triệu chứng này cũng có thể gây phát ban da ở vùng xung quanh ngực, bụng. Các nốt phát ban có thể khiến bạn ngứa ran và lan rộng sang cả bộ phận khác như đùi, mông, lưng, tay và chân.
Việc thay đổi nội tiết tố cũng khiến làn da bạn mẫn cảm hơn, đặc biệt ở những vị trí nhạy cảm như đầu nhũ hoa. Bên cạnh đó, việc mặc áo ngực quá chật ngực và đầu ti bị ma sát nhiều, thời tiết nắng nóng gây đổ mồ hôi nhiều cũng khiến da bị kích ứng hoặc nguyên nhân do mẹ bầu sử dụng sữa tắm không phù hợp… đều có thể khiến làn da vùng này bị kích ứng gây ra ngứa đầu nhũ hoa khi mang thai.
2. Cách giảm ngứa đầu nhũ hoa khi mang thai
Việc gãi vào các vùng ngứa có thể khiến tình trạng này trở nên tồi tệ hơn, vì vậy khi mang thai bị ngứa nhũ hoa bạn có thể sử dụng một số cách sau đây để giảm sự khó chịu:
- Sử dụng các loại áo lót được làm bằng chất liệu thấm hút mồ hôi và chọn dùng các loại áo ngực thoải mái, phù hợp với kích cỡ của ngực.
- Bắt đầu từ tháng thứ 4 của thai kỳ, bạn nên vệ sinh đầu nhũ hoa bằng nước ấm để loại bỏ những cặn bẩn, da chết ít nhất 1 lần/ngày.
- Có thể bôi một lớp kem dưỡng da ở vùng đầu nhũ hoa để tránh khô nứt sau khi đã vệ sinh sạch sẽ. Chọn các sản phẩm có thành phần từ thiên nhiên như vitamin E, bơ, ca cao, lô hội, lanolin. Tránh sử dụng những sản phản dễ gây kích ứng.
- Vệ sinh nhũ hoa bằng cách dùng khăn mềm, sạch. Tuy nhiên, cần thực hiện nhẹ nhàng, không kích thích mạnh, bởi vì nó có thể làm tử cung co bóp nhiều, dễ dẫn đến sảy thai hoặc sinh sớm.
- Dùng tay massage, xoa bóp nhẹ bầu vú để tăng khả năng kháng bệnh của vú. Việc này cũng giúp tăng cường tuần hoàn máu, đồng thời kích thích quá trình tiết sữa của mẹ bầu sau sinh.
- Uống nhiều nước giúp giảm tình trạng ngứa nhũ hoa khi mang thai. Theo chuyên gia, phụ nữ trong thời kỳ mang thai nên uống khoảng 1.5 đến 2 lít nước một ngày bao cả các loại nước lọc, nước ép trái cây, canh, súp…
3. Mang thai bị ngứa nhũ hoa có nguy hiểm không?
Mang thai bị ngứa nhũ hoa có nguy hiểm không là vấn đề rất nhiều bà bầu quan tâm, bởi tình trạng này không hề hiếm gặp. Thực tế, mang thai bị ngứa nhũ hoa thường chỉ là một triệu chứng thoáng qua và không gây nguy hiểm gì, nhưng khi nó kéo dài và xuất hiện một số bất thường khác thì bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn về cách điều trị và phòng ngừa.
Một số triệu chứng đi kèm với tình trạng mang thai bị ngứa nhũ hoa có thể gây nguy hiểm đó là:
- Núm vú tiết dịch, rỉ máu, lở loét, thụt vào, lệch về một bên…
- Vùng da ở đầu nhũ hoa và xung quanh nổi sần, dày lên, đổi màu, đau hoặc mất/giảm cảm giác.
- Thấy có khối u ở vú.
- Phát hiện các hạch bất thường ở dưới xương đòn hay nách.
Trong hầu hết các trường hợp, sự khó chịu sẽ giảm bớt khi bạn bắt đầu thay đổi lối sống hoặc ít nhất sau khi sinh con. Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý đến những dấu hiệu nguy hiểm để sớm đi khám và được xử trí kịp thời.
Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây ngứa đầu nhũ hoa khi mang thai. Để từ đó biết cách xử lý, theo dõi, chăm sóc và thăm khám khi cần thiết.